“Không có gì là quá muộn để bắt đầu, không có gì là quá khó để vượt qua” - Đây là lời gửi gắm của anh Nguyễn Xuân Huy (Delivery Manager, System Solution, Rikkei Japan), người có tinh thần không từ bỏ, truyền lửa đam mê học tập đến với các bạn trẻ, những người đã và đang theo đuổi con đường học vấn của mình.
Anh Nguyễn Xuân Huy chính thức trở thành một thành viên của đại gia đình Rikkei Japan từ tháng 9/2022 với vị trí Delivery Manager ở bộ phận System Solution, Rikkei Japan. Với kinh nghiệm 7 năm làm phát triển, 12 năm làm việc tại các công ty, tập đoàn Nhật Bản lớn nhỏ, anh được tin tưởng giao phó phụ trách team gồm 5 thành viên đa quốc gia Việt Nam - Nga - Hà Lan, cùng xây dựng một mảng hoàn toàn mới ở Rikkei Japan là Salesforce và AI.
.jpg)
Chuyên mục “Người Rikkei” số này gửi đến bạn câu chuyện về anh Nguyễn Xuân Huy và con đường theo đuổi đam mê học tập của mình.
Thời đại chuyển giao
Chàng trai Xuân Huy tốt nghiệp cấp 3 vào năm 2001 và bắt đầu theo học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những năm đầu 2000 là những năm đầu tiên khái niệm Internet, máy tính du nhập vào Việt Nam. Công nghệ thông tin vào thời kì này là một ngành học đầy mới mẻ và thử thách. Tin học vốn là môn học khá xa lạ với nhiều học sinh, sinh viên thời đó. Và anh Huy cũng thế. Anh hoàn toàn không biết gì về Internet hay khái niệm cơ bản về Công nghệ thông tin, nhưng có một điều mà anh tin chắc: Đây sẽ là một bước ngoặc sẽ gắn bó và làm thay đổi lớn cuộc đời anh.
Sau 2 năm học các môn đại cương, anh Huy bắt đầu học về những nền tảng đầu tiên trong ngành Công nghệ thông tin. Trước hết, anh học về ngôn ngữ lập trình Pascal, C++, Java. Anh cho biết thử thách luôn đi kèm với cơ hội. Thời điểm mới này cũng là cơ hội đầy tiềm năng để anh từng bước tiếp cận với những công nghệ tiên tiến mới cũng như các ứng dụng giải pháp kinh doanh mới. Tốt nghiệp Đại học, anh đầu quân về làm việc tại một trong những công ty công nghệ số đầu tiên ở Việt Nam, công ty FPT Software thuộc tập đoàn FPT.
Thử thách mới, cơ hội mới
Sau 1 năm làm việc FPT Software, anh Huy nhận được lời mời đi Nhật để thực hiện dự án. Đi nước ngoài làm việc thời đó là một chuyện gì đó rất hiếm hoi và lớn lao chứ không dễ dàng như bây giờ. Là cơ hội có một không hai với chàng kỹ sư trẻ vừa mới ra trường, nhưng cũng đồng thời là thách thức với nhiều khó khăn và thử thách cả về rào cản ngôn ngữ lẫn các kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Anh chia sẻ, lúc đó anh chỉ nghĩ đơn giản đây là cơ hội để thử thách chính mình và bước ra khỏi vùng an toàn bản thân. Trước khi sang Nhật, anh chỉ kịp học 7 bài đầu tiên của quyển giáo trình tiếng Nhật “quốc dân" Minna No Nihongo (chưa được 1/3 của level tiếng Nhật sơ cấp thấp nhất).
Chúng tôi hỏi anh: “Có vất vả vào những ngày đầu mới sang Nhật không?” Nghĩ về bản thân của 16 năm trước, anh trả lời: “Cái may mắn của anh khi vừa đặt chân lên đất Nhật là dự án đầu tiên là bằng tiếng Anh, anh làm việc với khách hàng toàn bộ bằng tiếng Anh giúp anh giảm áp lực hơn trong thời kỳ đầu. Hơn nữa, đi cùng anh còn có 5 anh em kỹ sư khác, mọi người cùng hỗ trợ nhau, nên cuộc sống tinh thần của anh cũng tốt lên dần. Sau 6 tháng dự án kết thúc, các dự án nhận đều bằng tiếng Nhật. Công ty đã mời các bạn ở trường Đại học Tokyo để dịch tài liệu, và bản thân anh cũng chủ động trong việc tìm tòi các từ vựng chuyên ngành để nâng cao khả năng ngoại ngữ”.
Mặc dù có sự giúp đỡ từ công ty, nhưng để có thể làm việc thuận lợi với khách hàng người Nhật, anh hiểu rằng bản thân phải trực tiếp trao đổi để hiểu rõ các nhu cầu của khách hàng. Do đó anh quyết tâm cải thiện trình độ Tiếng Nhật. Hai năm rưỡi sau, anh đã có thể giao tiếp trôi chảy và có bằng JLPT Level 2 (Tương đương JLPT N2 bây giờ).
Không dừng lại đó, với mong muốn học chuyên sâu về Công nghệ thông tin, cũng như muốn học thêm về công nghệ AI, năm 2010, anh Huy đã đưa ra một quyết định liều lĩnh: Từ bỏ công việc hiện tại để tiếp tục con đường học hành của mình. Anh được nhận học bổng toàn phần Thạc sĩ 2 năm ngành NLP (人工知能) từ Đại học Japan Advanced Institute of Science and Technology (JAIST).
“Học bá” cũng ra trường muộn như bao người
Năm 2014, anh Huy tiếp tục học lên Tiến sĩ theo hệ vừa học vừa làm. Vì công việc bận rộn anh chọn học hệ Tiến sĩ 6 năm. Thời gian của người đi làm khá hạn hẹp và gò bó, việc lên trường để tham gia các lớp học bắt buộc với anh mà nói là điều bất khả thi. Với giọng điệu hài hước, anh cười và chia sẻ với chúng tôi rằng: “Thực ra, nếu đã quyết tâm hoàn thành chương trình nghiên cứu, đó cũng không phải là một vấn đề quá nan giải. Đối với các môn học bắt buộc, anh chọn những lớp học cấp tốc một tuần. Và trong vòng một tuần chuyên tâm học, anh đã hoàn thành hết các môn học. Sau đó, anh chuyên tâm làm đề án. Anh chủ động trong tất cả mọi việc: chủ động nghiên cứu, chủ động liên lạc, chủ động trao đổi và phản biện với giáo sư. Với anh, CHỦ ĐỘNG là “chìa khóa” giải quyết tất cả mọi khó khăn”.
.jpg)
Để duy trì ngọn lửa học tập luôn là một quá trình dài và gian nan. Duy trì ngọn lửa ấy đối với những người đi làm lại càng khó khăn hơn, khi công việc thường ngày vốn đã ngốn khá nhiều thời gian. Điều đó không là ngoại lệ với anh Huy. Sau 3 năm nghiên cứu ở trường, anh Huy bắt đầu chán nản, vì thực tế, học vị Tiến sĩ không cần thiết cho công việc hiện tại của anh. Thời điểm đó anh đang tập trung vào các dự án ở công ty. Việc tiếp xúc với các dự án thực tế mang lại cho bản thân anh nhiều kinh nghiệm, hiểu được nhu cầu của khách hàng cũng như phát triển các dịch vụ cung cấp cho khách hàng để gia tăng lợi nhuận và giá trị của công ty. Anh đã quyết định dừng lại việc nghiên cứu của mình, anh bảo lưu các kết quả học tập cũng như nghiên cứu, và tập trung cho các dự án mới của bản thân.
Tinh thần học tập trở lại
Niềm đam mê học tập đã quay lại với anh sau 2 năm bảo lưu kết quả. Anh quay trở lại trường và quyết tâm hoàn thành nốt 3 năm học còn lại. Chúng tôi hỏi anh tại sao anh lại có quyết định như vậy sau 2 năm? Anh vui vẻ trả lời: “Khi nhìn lại lý do mình quyết định học Tiến sĩ, anh đã suy nghĩ mình có đang thực hiện đúng theo những mong muốn trước đây của bản thân không. Một lần nữa tìm lại động lực học tập của mình, lần này anh quyết tâm phải theo đuổi đến cùng, và hoàn thành tất cả những dự định còn dang dở”.
Ngoài việc học ở trường lớp, tinh thần học tập của anh còn thể hiện qua tinh thần làm việc. Xuất thân là kỹ sư, lại từng làm việc tại các công ty công nghệ Nhật, anh đã có thời gian đắn đo suy nghĩ trước khi trở thành “người Rikkei” vì mảng anh sẽ đảm nhận tại Rikkei hoàn toàn khác với chuyên ngành anh theo học. Cứ ngỡ anh sẽ shock với văn hoá làm việc cũng như những đầu việc mới mẻ tại công ty Việt do vốn quen học tập và làm việc trong thời gian dài ở môi trường thuần Nhật, ngược lại anh nhanh chóng thích ứng với công việc mới chỉ trong 2-3 tuần. Anh chia sẻ: “Điều anh thích nhất ở Rikkei là các sếp đều rất “trẻ” và “liều”. “Trẻ” ở lối suy nghĩ, dám nghĩ dám làm, tạo một môi trường trẻ trung sôi động, thúc đẩy tính sáng tạo của từng cá nhân trong công ty. “Liều” ở độ chịu chơi, sẵn sàng đầu tư, tìm kiếm cơ hội và cải tổ những cách thức đã cũ hoặc không phù hợp với thời đại, luôn duy trì được tính thách thức trong công việc”. Cùng với tinh thần trên, anh chấp nhận cho bản thân cơ hội khám phá và đối mặt với những thử thách mới, sẵn sàng học hỏi và cống hiến sức lực, trí tuệ để tạo nên giá trị chung cho toàn Rikkei Japan.
Với những lời chia sẻ tâm tình và những cống hiến của anh đối với sự phát triển từng ngày của công ty, Rikkei Japan gửi đến anh lời cảm ơn chân thành nhất và chúc anh sẽ có những thành công mới, trải nghiệm mới trong thời gian tới!